A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công cấp xã

(gialai.gov.vn) - Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, ngày 25/7/2025, UBND tỉnh Gia Lai ban hành kèm theo Quyết định số 890/QĐ-UBND Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.

Mục đích của kế hoạch này là chuẩn hóa, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị làm việc và hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đến giao dịch thủ tục hành chính. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng được xác định là khâu đột phá của công tác xây dựng bộ máy hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; giúp cho đội ngũ CBCCVC cấp xã nhanh chóng thích ứng với yêu cầu nhiêm vụ hiện nay và dần trở nên tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, mang đến sự hài lòng cao nhất cho người dân, doanh nghiệp. 

UBND tỉnh yêu cầu công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng phải gắn với công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC để xây dựng nội dung chương trình và xác định đối tượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đảm bảo yêu cầu khoa học, thiết thực, hợp lý; làm cơ sở cho việc sàng lọc, thay thế những trường hợp không còn thích hợp với hoạt động công vụ trong tình hình mới. Người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị cấp xã quan tâm, sâu sát và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này đảm bảo mang lại hiệu quả thực chất, tránh tình trạng “làm qua loa, đại khái, không thực chất, hình thức, lãng phí”.

Kế hoạch đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:

1. Rà soát, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã

Ảnh minh hoạ

Về hạ tầng công nghệ thông tin, mỗi trung tâm sẽ được trang bị đường truyền tối thiểu 200 Mbps, thiết bị Wi-Fi phục vụ ít nhất 50 người dùng đồng thời. Hệ thống camera giám sát khu vực làm việc phải kết nối với hệ thống giám sát của tỉnh, dữ liệu được lưu tối thiểu 30 ngày.

Về cơ sở vật chất, diện tích trung tâm được bố trí theo chuẩn định mức của Chính phủ, gồm đầy đủ các khu vực: tiếp nhận – trả hồ sơ, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, khu vực ưu tiên cho người yếu thế và khu vực chờ. Các tiêu chí phục vụ đặt ra gồm: thời gian chờ đợi tối đa 15 phút, thời gian xử lý hồ sơ tối đa 30 phút.

Về trang thiết bị, mỗi cán bộ làm việc được trang bị 01 máy tính, 01 máy in, 01 máy scan cho 02 người, cùng với máy photocopy dùng chung và ít nhất 02 máy tính cho người dân tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến. Tại các địa bàn trọng điểm sẽ được bổ sung hệ thống xếp hàng tự động và màn hình hiển thị số thứ tự.

Về hệ thống phần mềm, rà soát, nâng cao hiệu năng, bổ sung các tính năng, chức năng của “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Gia Lai” (gọi tắt là Hệ thống VNPT iGate) và tích hợp, kết nối với các cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành đáp ứng cho yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hạn chế việc sử dụng hồ sơ giấy.

2. Hoàn thiện các quy định, quy trình xử lý công việc của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã

Nhằm đảm bảo hoạt động thống nhất, hiệu quả của các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các xã, phường khẩn trương rà soát, ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy định, quy trình xử lý công việc liên quan. Cụ thể, UBND cấp xã phải ban hành các văn bản pháp lý quan trọng như: Quyết định thành lập Trung tâm, quy định chức năng nhiệm vụ, quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế phối hợp với các phòng chuyên môn và cơ quan liên quan; đồng thời ban hành quy định về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Đề án văn hóa công vụ.

Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm ban hành nội quy làm việc, thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí, bảo đảm rõ ràng, minh bạch và thuận tiện cho việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân.

Đặc biệt, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức tại Trung tâm phải thực hiện nghiêm túc Danh mục công việc định kỳ được ban hành kèm theo Kế hoạch, nhằm nâng cao tính chủ động, kỷ luật hành chính và chất lượng phục vụ.

3. Tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cho CBCCVC cấp xã nắm chắc quy trình cung cấp dịch vụ công

Ảnh minh họa

Từ nay đến cuối năm 2025, các địa phương sẽ thực hiện ba hình thức đào tạo:

Tập huấn chung theo hình thức trực tuyến, dành cho toàn bộ CBCCVC cấp xã, tập trung vào quy trình cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, hoàn thành trong tháng 8 năm 2025.

Tập huấn chuyên sâu theo nhóm hoặc địa phương cụ thể, áp dụng đối với các đơn vị còn hạn chế trong xử lý thủ tục hành chính. Hình thức thực hiện linh hoạt (trực tuyến hoặc trực tiếp), tổ chức thường xuyên đến hết năm 2025.

Tọa đàm chuyên đề định kỳ, tổ chức trực tuyến hằng tuần giữa các sở, ngành chuyên môn và địa phương cấp xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, bảo trợ xã hội, hộ tịch, người có công, đăng ký kinh doanh...

4. Kiểm tra, đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng

Sau quá trình tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp xã, tỉnh Gia Lai triển khai hoạt động kiểm tra, đánh giá thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã. Việc kiểm tra được thực hiện theo hai hình thức:

Trực tuyến, thông qua hệ thống VNPT iGate và Cổng Dịch vụ công quốc gia, tập trung vào các tiêu chí: chất lượng tiếp nhận và xử lý hồ sơ, tiến độ giải quyết đúng hạn, mức độ hoàn thiện dữ liệu số hóa, kết quả chỉ số phục vụ và mức độ hài lòng của người dân.

Trực tiếp tại địa phương, nhằm đánh giá toàn diện hoạt động của Trung tâm, sự phối hợp của các phòng chuyên môn và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Kết quả kiểm tra, đánh giá sẽ được sử dụng làm căn cứ để xây dựng nội dung và đối tượng cho các đợt đào tạo, bồi dưỡng tiếp theo; xem xét điều chuyển, thay thế các cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu trong năm 2026.

Để bảo đảm Kế hoạch triển khai hiệu quả, UBND tỉnh đặc biệt yêu cầu người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị cấp xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kế hoạch, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong tình hình mới. UBND tỉnh Gia Lai đã phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị liên quan, cụ thể:

Các sở, ngành, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xây dựng chương trình tập huấn, cử cán bộ tham gia kiểm tra thực tế, đồng thời hỗ trợ các địa phương còn hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn tiêu chuẩn hạ tầng công nghệ thông tin và cấu hình trang thiết bị làm việc tại Trung tâm cấp xã.

Văn phòng UBND tỉnh chủ trì triển khai kế hoạch chung, rà soát nâng cấp hệ thống VNPT iGate, tổ chức kiểm tra trực tuyến và trực tiếp, đồng thời làm đầu mối phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm tháo gỡ vướng mắc phát sinh tại cơ sở.

UBND cấp xã có trách nhiệm rà soát điều kiện hạ tầng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cho công chức, viên chức tham gia tập huấn và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.

Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao năng lực của CBCCVC Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã là bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là giải pháp căn cơ, lâu dài góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số và phát triển bền vững chính quyền cơ sở tỉnh Gia Lai trong giai đoạn mới./.

Tác giả: Nguyễn Hưng
Biên tập: Thùy Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật