|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

(gialai.gov.vn) - Ngày 17/7, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, DTLCP đang xảy ra tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước (trong đó có các tỉnh Đăk Lăk, Quảng Ngãi giáp ranh với tỉnh Gia Lai). Tại tỉnh Gia Lai cũng đã xuất hiện một số ổ bệnh DTLCP tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh; bên cạnh đó tình trạng người dân lén lút vứt xác lợn bệnh chết ra kênh, mương, sông, suối còn phổ biến, dẫn đến nguy cơ DTLCP bùng phát và lây lan diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất chăn nuôi của tỉnh là rất lớn.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, phường tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong đó, đối với các xã, phường có các ổ dịch bệnh xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp bao vây, khống chế, ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng, Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, công bố dịch bệnh trên địa bàn theo đúng thẩm quyền và quy định. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp xã phối hợp với các Trạm Chăn nuôi và Thú y khu vực, Công an để tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và hướng dẫn, chỉ đạo xử lý động vật chết, mắc bệnh theo quy định, không để xảy ra tình trạng dấu dịch, giết mổ, bán chạy và vứt xác động vật mắc bệnh ra ngoài môi trường; tổ chức khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn quản lý, nhất là khu vực có nguy cơ cao như vùng dịch, các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ, mua bán và các tuyến đường vận chuyển chính. Định kỳ, vào thứ Tư hàng tuần (trước 16 giờ) hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn về Sở NN&MT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Ảnh minh hoạ. Nguồn:baogialai.com.vn

Đối với các xã, phường chưa xảy ra dịch bệnh, cần tăng cường tuyên ruyền, thông tin về tình hình dịch bệnh cho người chăn nuôi biết để chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh theo quy trình chăn nuôi và xử lý dịch bệnh, kịp thời khai báo với cơ quan thú y, chính quyền địa phương các trường hợp lợn bệnh, nghi bệnh để được hướng dẫn xử lý theo quy định, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chỉ lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm soát của cơ quan thú y. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa bàn, xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý; kêu gọi, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, nâng cao năng lực kiểm soát giết mổ động vật.

Đối với các địa phương giáp với các tỉnh lân cận (tỉnh Đắk Lăk, Quảng Ngãi) và có đường biên giới với Campuchia phải thường xuyên phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an, Quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép vào địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&MT tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhất là bệnh DTLCP đang xảy ra trên địa bàn tỉnh; định kỳ, vào thứ Năm hàng tuần (trước 16 giờ) tổng hợp, báo cáo tình hình, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tập trung triển khai, hướng dẫn các địa phương tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Công an, Quản lý thị trường thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh tại các Trạm kiểm dịch động vật và các Chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời, không để động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch nhập vào địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện xử lý, bao vây, khống chế, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan; phối hợp với các cơ quan báo đài tăng cường tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Kịp thời tổng hợp, tham mưu việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y khu vực phân công cán bộ bám sát địa bàn, nắm rõ tình hình hoạt động sản xuất chăn nuôi và dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, xử lý ổ dịch ở phạm vi hẹp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của Sở NN&MT và UBND các xã, phường tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí để các ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Sở Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, mua bán động vật, sản phẩm động vật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; cử lực lượng tham gia các Chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm thời trên địa bàn tỉnh theo đề xuất cụ thể của Sở NN&MT.

Công an tỉnh bố trí lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trực 24/24 giờ tại các Trạm Kiểm dịch bệnh động vật và lực lượng tham gia các Chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tạm trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc thẩm quyền tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát các hoạt vận vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật sản phẩm động vật nhất là tình trạng vứt xác động vật chết ra môi trường.

UBND tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở; kiên quyết không để động vật, sản phẩm động vật nhập lậu trái phép, chưa qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh; thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân về tác hại của việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật trái phép để cùng tham gia đấu tranh, chống buôn lậu qua biên giới.

Sở VHTT&DL chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Thú y.

Tác giả: Hoàng Thảo
Biên tập: Trang Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật