Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đại diện lãnh đạo các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Dân tộc và Tôn giáo; và các đơn vị: Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 34, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (lĩnh vực Biên phòng).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch báo cáo tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Hiện trên địa bàn 07 xã biên giới có 07 trường mầm non, mẫu giáo (tất cả đều là trường bán trú, không có trường nội trú). Các trường có bếp ăn bán trú đảm bảo quy trình một chiều, tuy nhiên vẫn còn thiếu về đồ dùng và thiết bị phục vụ bếp.
Về giáo dục phổ thông, có 06 trường tiểu học, 04 trường trung học cơ sở (THCS), 03 trường tiểu học và THCS, 01 trường trung học phổ thông (THPT); tất cả đều chưa có mô hình nội trú hoặc bán trú.
Nhu cầu đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường phổ thông tại 07 xã biên giới đang rất cấp thiết. Qua rà soát, tổng số học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn là 10.323 em, trong đó có khoảng 7.134 em có nhu cầu học nội trú hoặc bán trú. Để đáp ứng nhu cầu này, cần bổ sung 406 hạng mục/phòng học cho toàn bộ các cấp phổ thông. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 378,047 tỷ đồng.
Quang cảnh làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các xã biên giới kiến nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ quy hoạch mở rộng diện tích trường học nhằm xây dựng thêm phòng học, bếp ăn, khu vui chơi và nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, đề xuất được trang bị thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để nâng cao điều kiện học tập cho học sinh. Các địa phương cũng đề nghị đầu tư xây dựng trường nội trú cho bậc Tiểu học và THCS, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở xa, giảm khó khăn cho gia đình.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các xã biên giới khẩn trương khảo sát, đánh giá hiện trạng các trường học còn có thể sử dụng, trong đó tập trung vào cơ sở vật chất và khả năng mở rộng để đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc mở rộng hoặc xây mới các trường học phải đáp ứng yêu cầu về bán trú, đảm bảo đầy đủ điều kiện cho cả học sinh và giáo viên theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, nếu xây dựng mới, cần tính toán kỹ yếu tố địa lý, ưu tiên xây trường ở khu vực trung tâm, thuận tiện cho học sinh đi lại, tránh xây ở gần đồi núi, sông suối nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời, việc đầu tư phải dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương để xác định quy mô phù hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động giảng dạy và học tập.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Về công tác xây dựng và quy hoạch trường học, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: có thể mở rộng trên nền trường cũ hoặc quy hoạch lại toàn bộ khuôn viên trường học để đề xuất xây dựng phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương khẩn trương hoàn thiện quy hoạch; chậm nhất đến ngày 15/8 phải báo cáo quy hoạch cục bộ, điều chỉnh quy hoạch của 7 xã biên giới, trong đó bao gồm cả quy hoạch hệ thống trường học, để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Trung tâm Quy hoạch (thuộc Sở Xây dựng) ngay trong ngày mai phải phân công cán bộ trực tiếp xuống làm việc tại các xã, phối hợp nắm bắt tình hình và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc xây dựng trường học tại các xã biên giới cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng công trình, đảm bảo đạt chuẩn như các trường ở đô thị; đồng thời, cảnh quan trường học phải khang trang, sạch đẹp, tạo môi trường học tập tốt cho học sinh.
Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn đến năm học 2026–2027, toàn bộ học sinh tại 7 xã biên giới sẽ được học trong những ngôi trường mới kiên cố, đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò của chính quyền cấp xã, yêu cầu các xã xác định tinh thần trách nhiệm cao, coi mỗi xã như một “tỉnh nhỏ”, từ đó chủ động trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.