Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt gợi ý nội dung thảo luận.
Trong phiên thảo luận chung tại hội trường, đại biểu HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với các báo cáo, tờ trình của HĐND và UBND tỉnh đã trình tại kỳ họp. Đồng thời, các đại biểu kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, kịch bản nhằm cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; tiếp tục quan tâm phân bổ nguồn lực và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cấp xã, phường trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; xem xét nâng mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức nhận công tác tại xã Nhơn Châu; thực hiện chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật cho người dân trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 116/2025/NĐ-CP ngày 05/6/2025 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/7/2025.
Trả lời các vấn đề được đại biểu quan tâm, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, Sở đang tích cực, chủ động triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cấp xã, phường trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách; sẽ khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai bị tác động, ảnh hưởng của việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sau khi nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Sở đang rà soát, tổng hợp và sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật theo Nghị định số 116/2025/NĐ-CP ngày 05/6/2025 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh tin tưởng, với tinh thần “tự lực, tự cường, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn”, hệ thống chính quyền hai cấp của tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2025, tạo bước “chạy đà” để địa phương bức phá những mục tiêu lớn trong giai đoạn mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Cao Thanh Thương trả lời kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật.
Trên cơ sở xem xét các tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận và thống nhất thông qua 17 nghị quyết; gồm: (1) Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2025; (2) Nghị quyết Quyết định việc áp dụng Nghị quyết quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025; (3) Nghị quyết về việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 tỉnh Gia Lai sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; (4) Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Gia Lai; (5) Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025 tỉnh Gia Lai; (6) Nghị quyết Quyết định việc áp dụng Nghị quyết quy định các loại phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; (7) Nghị quyết về việc phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 cho các xã, phường trên địa bàn tỉnh Gia Lai; (8) Nghị quyết đổi tên Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Định thành Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Gia Lai; (9) Nghị quyết Quyết định danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai; (10) Nghị quyết Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng Dự án khai thác đất san lấp để phục vụ thi công các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Phù Cát; (11) Nghị quyết Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng Dự án Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung; (12) Nghị quyết Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng Dự án đầu tư xây dựng trang trại tại phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn; (13) Nghị quyết quyết định việc áp dụng Nghị quyết Quy định một số nội dung và mức chi bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai (mới) nhiệm kỳ 2021-2026 sau sắp xếp; (14) Nghị quyết kết quả giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau các đợt giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay; (15) Nghị quyết về quy định chế độ công tác phí, chi tổ chức hội nghị trên địa bàn tỉnh Gia Lai; (16) Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai bị tác động, ảnh hưởng của việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; (17) Nghị quyết quy định hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp giúp kịp thời cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành triển khai thực hiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung phát biểu bế mạc kỳ họp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung biểu dương, ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung nghiên cứu các hồ sơ tài liệu để tham gia nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc vào các dự thảo nghị quyết.
Để đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) cả năm 2025 không thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương giao, Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung chỉ đạo quyết liệt, bám sát chương trình, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh.
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các xã, phường cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, quyết định, quy định của Quốc hội, Chính phủ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án... của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chương trình KT-XH của tỉnh; ngoài những nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát huy lợi thế vùng, ngành để thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; triển khai đồng bộ các giải pháp về thu ngân sách, quyết tâm bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2025; thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia và chủ động phương án phòng chống thiên tai, hạn hán, cháy rừng, lụt bão có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công và chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước; xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chất lượng điều hành. Nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, bảo đảm trật tự xây dựng, xử lý đơn thư; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế,… ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp tỉnh, cấp xã sau sắp xếp.
Ngay sau kỳ họp này, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh bảo đảm hiệu quả cao nhất; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với HĐND tỉnh và đề xuất sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập; giải quyết tốt các ý kiến, kiến nghị của cử tri; các kiến nghị nêu trong báo cáo giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh báo cáo tại kỳ họp. Khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành thực hiện rà soát các Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Định, HĐND tỉnh Gia Lai (trước sắp sếp) đang còn hiệu lực thi hành, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng giữ nguyên hoặc ban hành mới, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung (nếu có) nghị quyết của HĐND tỉnh cho phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và tình hình thực tế của địa bàn tỉnh Gia Lai (sau sắp xếp) theo quy định của pháp luật. Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau hợp nhất 2 tỉnh trình cấp có tẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, bám sát định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, thống nhất; cân đối các nguồn lực, yêu cầu phát triển đột phá trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và Tổ đại biểu HĐND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh; tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách; kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền và các cấp, các ngành của tỉnh giải quyết kịp thời những bất cập, phát sinh từ cơ sở; giám sát việc giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri; giám sát các cam kết, lời hứa của thủ trưởng các sở, ban, ngành qua giải trình tại kỳ họp lần này và các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. Sau kỳ họp, các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp và báo cáo hoạt động của mình tại kỳ họp, vận động Nhân dân thực hiện các Nghị quyết HĐND tỉnh.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường công tác giám sát theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh trong công tác giám sát, nhất là giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở để tham gia xây dựng chính quyền, kiến nghị với HĐND tỉnh, UBND tỉnh những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.
Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung cũng đề nghị UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các xã, phường bám sát thực tiễn, chuẩn bị nội dung xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2026 của tỉnh; phân tích, dự báo, chủ động các phương án, giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai con số; xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2026, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm (2026-2028) và các nhiệm vụ trọng tâm khác.