Quang cảnh phiên khai mạc
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, đánh giá và cho ý kiến đối với các báo cáo của UBND tỉnh trình về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2025; nhất là, tập trung vào các nhiệm vụ thu - chi ngân sách, đầu tư công, cải cách hành chính, chuyển đổi số và chăm lo an sinh xã hội,... Các báo cáo về thực hiện nhiệm vụ của các ngành tư pháp trên địa bàn tỉnh; Thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2025; một số kiến nghị của cử tri và Nhân dân phản ánh với kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 của Ủy ban MTTQVN tỉnh và các báo cáo thực hiện nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định.
Thảo luận, xem xét các tờ trình và dự thảo nghị quyết do Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh trình về quy định một số nội dung và mức chi bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh sau sắp xếp. UBND tỉnh trình các nội dung về Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách địa phương; giao dự toán ngân sách năm 2025; quy định các loại phí, lệ phí; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai về công tác tại Trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sau sắp xếp; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025 và trung hạn giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.
HĐND tỉnh cũng sẽ nghe và cho ý kiến đối với các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các cơ quan tư pháp tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Rah Lan Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 HĐND tỉnh là kỳ họp thường lệ đầu tiên kể từ sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình 02 cấp chính thức đi vào vận hành.
Trước những khó khăn, thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, đòi hỏi HĐND tỉnh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của cấp ủy để thảo luận xem xét đúng và trúng các chính sách quan trọng, cấp bách, phân tích, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhằm đưa ra những giải pháp tích cực phát huy tối đa tiềm năng, duy trì ổn định kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2025.
Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, tham gia ý kiến có chất lượng, bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này được thực thi hiệu quả, tránh tình trạng vừa ban hành đã sửa đổi, bổ sung, nhất là những nội dung về chế độ, chính sách. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo, Trưởng các Ban HĐND tỉnh được giao nhiệm vụ thẩm tra các nội dung trình kỳ họp giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu HĐND quan tâm, để đại biểu HĐND tỉnh có căn cứ xem xét và quyết định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Báo cáo về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và phát triển; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH đều đạt và vượt so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh Gia Lai (mới) tăng 7,5% (trong đó khu vực Bình Định tăng 7,92% và khu vực Gia Lai tăng 6,9%). Các khu vực kinh tế chủ yếu đều duy trì đà tăng trưởng khá, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,5%, dịch vụ tăng 7,6% và thuế sản phẩm tăng 3,1%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội diễn ra sôi nổi; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp tinh gọn; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý Nhà nước được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định, có mặt được cải thiện.
Trên cơ sở kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới và trong nước, các cơ chế, chính sách mới của Trung ương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và cả năm 2025, quyết tâm năm 2025, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh không thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương giao. Đối với cấp xã, UBND tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành việc phân giao chỉ tiêu KT-XH chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm đối với 58 xã phường thuộc khu vực Bình Định; tiếp tục chỉ đạo hoàn thành việc phân giao chỉ tiêu KT-XH chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm đối với 77 xã, phường thuộc khu vực Gia Lai.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, đây là kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện lại thể chế, chính sách, các quy định… đảm bảo vận hành chính quyền 2 cấp tỉnh Gia Lai, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, đạt các mục tiêu đề ra.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần tập trung triển khai nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ: Đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện Kết luận 123-KL/TW của Trung ương, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP không thấp hơn bình quân cả nước; sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2050; khẩn trương tiến hành phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho 77 xã, phường trên địa bàn Gia Lai (cũ) và cho các sở, ban, ngành của tỉnh trên nguyên tắc đảm bảo 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền”.
Khẩn trương phối hợp rà soát toàn bộ các nghị quyết, cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh Gia Lai và Bình Định trước đây ban hành để đánh giá tính pháp lý, hiệu lực và khả thi trong bối cảnh tổ chức bộ máy và không gian hành chính mới; kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các nghị quyết thay thế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, một tỉnh hai chính sách hoặc khoảng trống pháp lý, gây gián đoạn, bất cập trong triển khai nhiệm vụ, nhất là trong phát triển KT-XH, quản lý ngân sách, đầu tư công và an sinh xã hội.
Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cấp xã, phường đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý. Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát, xây dựng phương án xử lý tài sản công, cơ sở vật chất sau sắp xếp, ưu tiên chuyển đổi công năng phục vụ các lĩnh vực thiết yếu (y tế, giáo dục, phục vụ cộng đồng…). Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thành lập Ban quản lý dự án cấp xã tại các địa phương đủ điều kiện, từng bước trao quyền chủ động trong đầu tư, quản lý, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất tạo nguồn lực cho địa phương phát triển.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm gắn với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn.
Đặc biệt quan tâm củng cố cơ sở vật chất cho các xã, phường, ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục chăm lo đời sống Nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, an sinh xã hội; hoàn thành dứt điểm chương trình xóa nhà tạm, dột nát, hỗ trợ nhà ở cho người có công; thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp, nhất là kịp thời bổ sung cán bộ, công chức tại các vị trí còn thiếu; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… nhằm xây dựng các cấp chính quyền vững mạnh, vận hành thông suốt; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, tạo nền tảng quản trị hiện đại, chuyển đổi quyết liệt, căn bản từ nền hành chính quản lý sang kiến tạo, phục vụ, đáp ứng tốt các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị HĐND tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện chính sách; tăng cường giám sát chuyên đề các vấn đề cử tri quan tâm, nhất là giám sát việc triển khai các dự án đầu tư công, tiến độ giải ngân, hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; chú trọng giám sát công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; thường xuyên giám sát việc củng cố cơ sở vật chất và hoạt động của bộ máy chính quyền các xã, phường, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong mô hình chính quyền 2 cấp./.