Làm với Đoàn công tác, về phía tỉnh Gia Lai có đồng chí Lâm Hải Giang – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Cùng các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; Giám đốc, các Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Thảo Vi cho biết, tỉnh Gia Lai được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai cũ, có vị trí địa lý, kinh tế đặc biệt quan trọng, với diện tích tự nhiên 21.576,53 km2, quy mô dân số 3.583.693 người và có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường), 2.692 thôn; kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 toàn tỉnh có 28.369 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,38%; có 44.230 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,27%.
Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Thảo Vi báo cáo tại buổi làm việc
Tổng thành viên Ban đại diện HĐQT sau sáp nhập gồm 678 thành viên, trong đó: Cấp tỉnh 22 thành viên, cấp huyện 656 thành viên (trong đó có 373/373 Chủ tịch UBND cấp xã, phường). Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025 Ban đại diện các cấp đã kiện toàn 136 thành viên, trong đó, cấp tỉnh 12 thành viên, cấp huyện 124 thành viên theo đúng quy định.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng nguồn vốn từ ngân sách địa phương đạt 1.731,6 tỷ đồng, tăng 341 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2024, chiếm tỷ trọng 11,05% trong tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân và tiền gửi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 1.976 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2024, chiếm tỷ trọng 12,6% trong tổng nguồn vốn.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Tình hình, kết quả thực hiện hoạt động tín dụng, tính đến 30/6/2025, tổng nguồn vốn đạt 15.674 tỷ đồng, tăng 1.010 tỷ đồng, tăng 7% so với 31/12/2024. Doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt 3.401 tỷ đồng, tăng 800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước với hơn 57 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 15.638 tỷ đồng, tăng 995 tỷ đồng (tăng 6,79%) so với 31/12/2024. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh là 20,7 tỷ đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ, giảm 897 triệu đồng so với đầu năm.
Về hoạt động các điểm giao dịch xã được duy trì ổn định, giữ nguyên hoạt động 373 điểm giao dịch xã của tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ), thủ tục công việc, thông tin các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất, dư nợ, địa chỉ đường dây nóng, bộ thủ tục giải quyết công việc được công khai đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh Gia Lai mới sau sáp nhập đối với việc triển khai các Chỉ thị của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị NHCSXH tỉnh cần quản lý kịp thời, chặt chẽ đối với các tổ vay vốn, không để xảy ra tiêu cực, ngắt quảng, bảo toàn nguồn vốn và tiếp tục triển khai các sản phẩm mới. Đề nghị các Hội, đoàn thể tỉnh cần tiếp tục rà soát, kiện toàn chức danh cán bộ chủ chốt, ban thường vụ hội của 135 xã, phường để đảm bảo hoạt động từ cơ sở, giao phụ trách các địa bàn và quản lý các Tổ kiết kiệm vay vốn. NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp tốt với các hội, đoàn thể để triển khai toàn diện các sản phẩm cho vay nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng yếu thế được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh hỗ trợ 373 điểm giao dịch của NHCSXH tại địa phương, nhằm đảm bảo an toàn về hồ sơ và con người tại các điểm giao dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh, các đợt kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của NHCSXH tại các địa phương là cơ hội để phân tích, đánh giá một cách khách quan, chính xác tình hình triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, để từ đó điều chỉnh, bổ sung, cũng như khắc phục những mặt hạn chế tồn tại để tín dụng chính sách xã hội thực sự là điểm sáng giúp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn đạt hiệu quả, hướng tới đáp ứng các yêu cầu của các đối tượng yếu thế trong xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định của địa phương.
Để hoạt động tín dụng chính sách hoạt động hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu giúp các hội, đoàn thể sớm có con dấu, tài khoản riêng để đảm bảo cho hoạt động. Đề nghị NHCSXH tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng tổ vay vốn, kiểm soát nợ quá hạn, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích. Sắp xếp lại, sử dụng các điểm giao dịch và đảm bảo hoạt động thông suốt hoạt động cho vay vốn trên địa bàn.