Kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai Khoá XII, nhiệm kỳ 2021-2026
(gialai.gov.vn) - Sáng 01/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (phường Quy Nhơn), HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) khai mạc kỳ họp thứ nhất để công bố các Nghị quyết về nhân sự; xem xét, quyết định các nội dung do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trình. Chủ trì kỳ họp có các đồng chí: Rah Lan Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Thúy Vân - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tham dự kỳ họp về phía đại biểu Trung ương có bà Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các đại biểu đại diện các Ủy ban của Quốc hội. Phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1727 ngày 24/6/2025 về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai (mới) đã kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND tỉnh, cụ thể: Thông báo về số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai (mới) khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; thành lập các Tổ đại biểu và phân công Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND tỉnh; phê chuẩn Phó Trưởng ban của các Ban HĐND tỉnh Gia Lai (mới) khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; Chỉ định Ủy viên UBND tỉnh Gia Lai (mới) khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Như vậy, bộ máy tổ chức của HĐND tỉnh sau hợp nhất đã được kiện toàn theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các hướng dẫn có liên quan, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kể từ ngày 01/7/2025.
Quang cảnh Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Gia Lai khoá XII, nhiệm kỳ 2021-2026
Trước khi bước vào kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chỉ định nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban của HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021-2026.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng (thứ 5 từ phải qua) và Chủ tịch HĐND Rah Lan Chung (thứ 4 từ trái sang) tặng hoa chúc mừng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021-2026
Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và toàn thể cử tri đã tin tưởng, tín nhiệm và giao trọng trách này. Đồng chí khẳng định đây là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm cao cả, đặc biệt trong bối cảnh hai tỉnh vừa hợp nhất – một sự kiện có ý nghĩa chiến lược không chỉ về tổ chức bộ máy mà còn về tầm nhìn phát triển dài hạn, toàn diện và bền vững. Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí khẳng định sẽ cùng tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh Gia Lai cam kết hành động với tinh thần: “Kiến tạo – Liêm chính – Hành động – Trách nhiệm – Hiệu quả”, trong đó lấy phương châm “Làm gương – Kỷ cương – Trọng tâm – Bứt phá” làm định hướng xuyên suốt trong toàn bộ quá trình quản lý, điều hành. Đồng thời, xác định rõ trọng tâm hành động cụ thể là thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược: Đột phá về thể chế phát triển, đột phá về hạ tầng liên kết và đột phá về nguồn lực con người. Thứ hai, xác định phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trung tâm, cần tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ để đạt các mục tiêu tăng trưởng theo Kết luận số 123 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 25 của Chính phủ. Trọng tâm là triển khai hiệu quả “bộ tứ trụ cột” gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW: Về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW: Về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW: Về xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW: Về phát triển kinh tế tư nhân. Thứ ba, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm để khơi thông, huy động tối đa nguồn lực cho phát triển. Thứ tư, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đảm bảo bộ máy chính trị vận hành thông suốt, hiệu lực – hiệu quả sau sắp xếp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Chuyển mạnh từ “hành chính hóa” sang “phục vụ Nhân dân” bằng thực tiễn, không chỉ khẩu hiệu. Thứ năm, xác định sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn, lâu dài, nhưng cũng tác động đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và Nhân dân. Trung ương và lãnh đạo tỉnh thấu hiểu, chia sẻ, và sẽ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với cán bộ bị ảnh hưởng. Giai đoạn này đòi hỏi tinh thần gương mẫu, trách nhiệm cao từ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cần tăng cường công tác tư tưởng, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội. Thứ sáu, đặc biệt coi trọng củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh địa bàn rộng lớn, đa dạng. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt giữ gìn quan hệ truyền thống với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; phát triển kinh tế vùng biển, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển bền vững.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (mới) cũng nhấn mạnh, tỉnh Gia Lai mới hôm nay là kết tinh của hai vùng đất: Một Bình Định thần tốc, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, mang trong mình tinh thần tiến công mạnh mẽ, không ngừng bứt phá vươn lên. Một Gia Lai kiên trung, giàu bản sắc Tây Nguyên, thấm đẫm sức sống bền bỉ, tinh thần đoàn kết và ý chí vượt khó của Nhân dân các dân tộc anh em. Từ hai vùng đất giàu truyền thống và tiềm năng ấy, với bề dày cách mạng vẻ vang, bản sắc văn hóa phong phú và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng và kỳ vọng sự chung sức, đồng lòng, hành động quyết liệt – đồng bộ – hiệu quả vì một tương lai phát triển xứng tầm cho tỉnh Gia Lai mới.
Các đại biểu tham dự kỳ họp
Tại Kỳ họp thứ nhất, ngoài nội dung thông báo, công bố nghị quyết, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc chỉ định, phê chuẩn nhân sự giữ các chức danh theo quy định, HĐND tỉnh đã tập trung cho công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương và quyết định một số nội dung theo thẩm quyền. Trên cơ sở tờ trình, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã tập trung xem xét, thảo luận và thống nhất cao thông qua các nghị quyết quan trọng liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo thẩm quyền; xem xét, quyết nghị về việc thành lập các Ban của HĐND tỉnh; quyết định thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; xác nhận danh sách Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai; thông qua các nghị quyết về tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết thành lập các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh.
Theo đó, thành lập 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Gia Lai, gồm 14 sở, ngành: Nội vụ; Tư pháp; Tài chính; Công thương; Nông nghiệp và Môi trường; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra tỉnh; Y tế; Văn phòng UBND tỉnh; Ngoại vụ; Dân tộc và Tôn giáo. Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết chỉ định Ủy viên UBND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021-2026.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng (thứ 4 từ phải qua) tặng hoa chúc mừng Thường trực HĐND tỉnh và Trưởng các Ban HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026
Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, đoàn kết và trí tuệ, kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Rah Lan Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, kỳ họp lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Gia Lai sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội. HĐND tỉnh đã tập trung xem xét, thảo luận và thống nhất cao thông qua các nghị quyết quan trọng liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo thẩm quyền; xem xét, quyết nghị về việc thành lập các Ban của HĐND tỉnh; quyết định thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; thành lập các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh; xác nhận danh sách Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai; thông qua các nghị quyết về tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025. Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành triển khai thực hiện, bảo đảm cho hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh Gia Lai vận hành thông suốt, hiệu quả sau khi hợp nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Đồng chí Rah Lan Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND phát biểu bế mạc
Đồng chí đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết vừa được thông qua, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự vận hành ổn định, thông suốt của chính quyền các cấp. Các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tích cực giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong tình hình mới.
UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng đề án vị trí việc làm; trên cơ sở đó, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức hợp lý, hài hòa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan. Tập trung rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh mới, nhất là các cơ chế, chính sách tạo động lực cho sự phát triển. Đồng thời, cần tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các vùng, ưu tiên phát triển khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, không để xảy ra sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền trong tỉnh.
Tân Chủ tịch HĐND khẳng định, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các nhiệm vụ sau hợp nhất, lắng nghe ý kiến của cử tri; theo thẩm quyền được giao, HĐND tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn tỉnh Gia Lai mới.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Hồ Quốc Dũng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhận định, sau sáp nhập, Gia Lai sở hữu quy mô diện tích và dân số lớn, đồng thời hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế chiến lược để phát triển nhanh và bền vững. Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở trung tâm liên kết vùng giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Gia Lai mới sẽ đóng vai trò là đầu mối giao thương, là cửa ngõ kết nối cảng biển quốc tế Quy Nhơn với cao nguyên Pleiku và khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Hạ tầng kinh tế – xã hội đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đã có hệ thống sân bay, cảng biển, đường bộ, cửa khẩu quốc tế; sắp tới sẽ có sân bay quốc tế, cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng nước sâu… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, logistics, công nghiệp chế biến và du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh có dư địa lớn về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo và nguồn nhân lực trẻ, năng động; đồng thời sở hữu nền tảng nông - lâm nghiệp bền vững, công nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại; tiềm năng du lịch - dịch vụ phong phú, đa dạng.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức mà tỉnh Gia Lai mới đang đối mặt như: Xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh Gia Lai mới cơ bản còn thấp, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn hiện có quy mô nhỏ, chưa có doanh nghiệp lớn làm đầu tàu, chưa có dự án động lực dẫn dắt tạo bước đột phá. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mạng lưới giao thông, hạ tầng logistic mang tính liên kết vùng (giữa Gia Lai và Bình Định trước đây) còn yếu; một số tuyến đường bộ biên giới chưa đáp ứng yêu cầu vận tải đa phương thức; hệ thống thủy lợi, tưới tiêu nhiều vùng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, thu ngân sách còn thấp, ảnh hưởng đến chi đầu tư phát triển. Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh thường xuyên đe dọa. Hệ thống quy hoạch chưa được đồng bộ, nguy cơ chồng chéo, tiềm năng, dư địa phát triển chưa được đánh giá đầy đủ; sự khác biệt văn hóa, thói quen quản lý giữa hai địa phương cũ vẫn còn; sự gia tăng về yêu cầu chất lượng cán bộ, đảm bảo an sinh, đồng thuận xã hội.
Do đó, ngay sau kỳ họp này, đồng chí đề nghị HĐND tỉnh cần khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách. Thứ nhất, khẩn trương ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai mới để làm cơ sở vận hành, bảo đảm hoạt động đồng bộ, thống nhất, hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ. Thứ hai, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách… để bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, điều kiện thực tế của tỉnh sau sáp nhập; bảo đảm tính liên tục, không bị gián đoạn trong công tác quản lý, điều hành và thực thi pháp luật. Thứ ba, đôn đốc các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành kịp thời các nghị quyết chuyên đề quan trọng về quy hoạch, tài chính - ngân sách, đầu tư công, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chuyển đổi số, cải cách hành chính…
Các uỷ viên UBND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021-2026
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các đồng chí trong HĐND tỉnh và đặc biệt đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, phát huy vai trò trung tâm điều phối, chủ động trong việc tổ chức các kỳ họp, triển khai quyết định của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo triển khai sâu rộng các chương trình giám sát, nâng cao chất lượng giám sát, tăng cường chất vấn trực tiếp đối với UBND tỉnh, các sở, ngành. Các Ban của HĐND cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt vai trò tham mưu, thẩm tra, giám sát chuyên đề, bảo đảm nghiêm minh, hiệu quả, thể hiện đúng vai trò là người đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng, với truyền thống, bản lĩnh, tinh thần đoàn kết và khát vọng, tỉnh Gia Lai mới sẽ vươn lên mạnh mẽ và bền vững. Kỳ họp hôm nay không chỉ hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính tỉnh Gia Lai mới mà còn khởi động hành trình phát triển với quyết tâm chính trị cao, phấn đấu tiến tới dẫn đầu vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Trung Bộ, vững vàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam./.